Bản tin thị trường thịt trong nước và quốc tế tháng 11.2021
04/12/2021 08:30
Trong tháng 11/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng giảm so với tháng 10/2021. Nhập khẩu các loại thịt của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng vào tháng 10/2021. Cuối tháng 11/2021, giá lợn sống trên toàn quốc dao động từ 40.000 46.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000- 9.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2021.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trong tháng 11/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng giảm so với tháng 10/2021. Ngày 29/11/2021, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn tháng 12/2021 dao động ở mức 73,52 UScent/lb, giảm 3,3% so với cuối tháng 10/2021, nhưng vẫn tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá lợn tại Hoa Kỳ giảm mạnh vì sản lượng phục hồi phục hồi vượt quá sự tăng trưởng về nhu cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự báo giảm 2% vào năm 2022, xuống còn 104,2 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng thấp hơn ở Trung Quốc. Nguồn cung lợn thắt chặt dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn do trọng lượng lợn thịt giảm, do giá thịt lợn thấp và giá thức ăn cao.
Sản lượng thịt lợn của Hoa Kỳ được dự báo giảm nhẹ trong năm 2022 do tồn kho lợn thấp hơn và ý định giữ lợn nái ở mức thấp của các nhà sản xuất vào cuối năm 2021 khiến nguồn cung tiếp tục giảm trong tương lai. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 3% do nhu cầu cải thiện ở hầu hết thị trường chính. Nhập khẩu cao hơn ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thịt của Hoa Kỳ.
USDA dự báo sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong năm 2022 vì ngành chăn nuôi lợn điều chỉnh để đáp ứng lại sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện môi trường, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Năm 2022, Chính phủ Trung Quốc sẽ không khuyến khích các hộ nuôi vừa và nhỏ, còn các công ty có vốn hóa lớn sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. Giá lợn hơi đã giảm đáng kể từ đầu năm 2021 và vẫn ở mức thấp liên tục dù đã có sự phục hồi những tháng cuối năm 2021.
Năm 2021, việc giết mổ nhiều đã làm tăng sản lượng thịt lợn và dự trữ thịt lợn đông lạnh, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong mùa thu và mùa đông tại Trung Quốc cao hơn sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh. Vì thế, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng vào năm 2022 khi nguồn cung thịt lợn giảm. Những yếu tố này có thể sẽ khiến sản lượng thịt lợn giảm và nhập khẩu tăng vào năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự kiến đạt gần 4,8 triệu tấn trong năm 2022, tăng gần 6%, sau khi giảm vào năm 2021 do sản lượng thịt lợn tăng và giá giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ vẫn ở dưới mức kỷ lục năm 2020 khi nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.
Nhập khẩu các loại thịt của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng vào tháng 10/2021, do nguồn cung thịt lợn trong nước cao và giá rẻ nên nhu cầu đối với nguồn cung từ nước ngoài giảm. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2021, Trung Quốc nhập khẩu 664 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,42 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng, nhưng tăng 11% về trị giá so với tháng 10/2020, đây là tháng thứ 6 liên tiếp nhập khẩu thịt của Trung Quốc giảm. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 8,05 triệu tấn thịt, trị giá 27,24 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng, nhưng tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Bra-xin, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ác-hen-ti-na và Đan Mạch.
Tháng 10/2021, Trung Quốc nhập khẩu 200 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 466,67 triệu USD, giảm 39,4% về lượng và giảm 45,9% về trị giá so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 3,34 triệu tấn, trị giá 9,35 tỷ USD, giảm 7,7% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Bra-xin, Đan Mạch, Hoa Kỳ, và Hà Lan… Trong 10 tháng năm 2021, mặc dù nhập khẩu thịt lợn có xu hướng giảm, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩutừ một số thị trường như Tây Ban Nha, Ý, Bra-xin…
Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 31,8% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 2,89 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Đứng thứ hai là Bra-xin, với trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Bra-xin trong 10 tháng năm 2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15,8% tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Trong tháng 11/2021, do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu chưa cao bởi nhiều bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng hoạt động còn ít, nên giá lợn hơi vẫn ở mức thấp. Hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động từ 40.000-46.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000-9.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2021.
Thời gian qua, các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn khi giá lợn liên tục giảm xuống mức thấp trong nhiều tháng. Trong khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao đã gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi. Dự kiến thời gian tới, giá lợn hơi sẽ phục hồi trở lại, nhưng sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Ngoài ra dịp Tết nguyên đán là thời điểm được kỳ vọng giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu của người dân cao.
Về nhập khẩu thịt
Sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ tiếp tục giảm. Trong tháng 10/2021,do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung trong nước tăng, nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam giảm, đây là tháng thứ 3 liên tiếp nhập khẩu thịt giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu 55,58 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 103,18 triệu USD, giảm 25,7% về lượng vàgiảm 22,2% về trị giá so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 618,8 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,19 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ, Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Đức là 5 thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt lớn nhất cho Việt Nam.
Trong tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, bò tươi đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt trâu và thịt bò tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam nhập khẩu 12,57 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh trong tháng 10/2021, với trị giá 29,03 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 38,7% về trị giá so với tháng 10/2020; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.308 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 135,45 nghìn tấn, trị giá 312,84 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2021, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 39,9%; Bra-xin chiếm 15,7%; Đức chiếm 12,4%; Ca-na-da chiếm 10,6%; Ba Lan chiếm 4,6%…
Về xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 10/2021, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 2,02 nghìn tấn, trị giá 7,52 triệu USD, tăng 61,2% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với tháng 9/2021. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Hoa Kỳ, Bỉ… tăng mạnh. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 15,31 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 60,12 triệu USD. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 14 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm 38,7% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, với 782 tấn, trị giá 1,07 triệu USD, tăng 496,9% về lượng và tăng 713,9% về trị giá so với tháng 9/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,99 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 5,14 triệu USD.
Tháng 10/2021, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm các chủng loại: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,23 nghìn tấn, trị giá 2,25 triệu USD, tăng 266,7% về lượng và tăng 243,1% về trị giá so với tháng 9/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.831 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 9/2021.
Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Hồng Kông. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 63,1% tổng lượng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của cả nước trong tháng 10/2021.
Đứng thứ hai là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, với 472 tấn, trị giá 3,42 triệu USD, giảm 29,2% về lượng và giảm 31,2% về trị giá so với tháng 9/2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 7.252 USD/tấn,giảm 2,8% so với tháng 9/2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hồng Kông và Lào, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 89,2% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 10/2021.