Chăn nuôi “rộn ràng” cuối năm
24/11/2022 11:50
Cuối năm là thời điểm ngành chăn nuôi “rộn ràng” nhất khi nhu cầu thị trường tăng mạnh và giá bán tốt, đặc biệt là tháng Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên người dân đã mạnh dạn tăng đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh và giá cả không chắc chăn, thế nên để không bị lỗ, người dân cần thật cẩn trọng.
Tăng tốc đàn vật nuôi
Để chuẩn bị tốt cho thời điểm cuối năm, nhiều người chăn nuôi trên cả nước đang mạnh dạn tăng đàn và vỗ béo đàn vật nuôi cho thị trường Tết.
Ngay từ đầu tháng 10/2022, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội đã chuẩn bị chuồng trại để mua 2.000 con gà giống về thả nuôi. Năm nay, gia đình chị Hạnh sẽ nuôi theo hướng hữu cơ, trong đó, kiểm soát chặt chẽ con giống, các loại thuốc phòng bệnh; Nguồn thức ăn được phối trộn và bảo quản theo hướng dẫn; Trang trại sẽ sử dụng đệm lót sinh học… Đảm bảo tốt yếu tố đầu vào lại cộng thêm toàn bộ sản phẩm đã được ký hợp đồng bao tiêu với mức giá tốt nên gia đình rất yên tâm.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn trâu, bò của thành phố hiện là 169.000 con, tổng đàn gia cầm gần 39 triệu con, đàn heo hơn 1,4 triệu con. Hiện nay, giá bán heo hay gia súc, gia cầm đều tăng nên tạo động lực tích cực giúp các hộ yên tâm tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.
Tại tỉnh Thái Nguyên, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện ổ dịch lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh ước đạt 131,1 nghìn tấn. Hiện, đàn vật nuôi của tỉnh đang duy trì trên 644.000 con gia súc và 14,8 triệu con gia cầm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc các hộ dân tập trung tái đàn gia súc, gia cầm không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường dịp Tết mà còn góp phần thực hiện mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm nay.
Còn tại Đồng Nai, một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của nước ta, thì thời điểm này người dân cũng nỗ lực tăng đàn vật nuôi, trong đó, một số trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn (trên dưới 5.000 con) tăng đàn 10 – 20%.
Để chuẩn bị tốt cho thời điểm cuối năm, người chăn nuôi trên cả nước đang mạnh dạn tăng đàn. Ảnh: Shutterstock
Ngay từ đầu quý III/2022, bà Nguyễn Tuyết Lan, ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom đã đầu tư khoảng 250 triệu đồng mua hơn 200 con heo giống để phục vụ thị trường Tết. Bà Lan cho biết, năm nay giá thức ăn, thuốc phòng bệnh cho vật nuôi tăng cao song thịt heo có giá tốt, chăn nuôi không bị thua lỗ. Những đợt trước, mỗi lần gia đình chỉ tái đàn gần 100 con heo, lứa này xác định nuôi để bán Tết nên tôi tăng đàn.
Còn anh Đồng Xuân Lộc, ấp 10, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai chi hơn 70 triệu đồng mua 4.000 con gà về thả nuôi, dự kiến xuất bán ra thị trường vào tháng 1/2023. Anh Lộc cũng cho biết, do xác định bán Tết nên lứa này tôi quyết định tăng đàn, chỉ mong thời gian tới đây giá gà không xuống quá thấp, người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ.
Vẫn rất thận trọng
Mặc dù thị trường ổn định, dịch bệnh được kiểm soát khá tốt, thế nhưng, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn. Một phần là bởi tín hiệu thị trường chưa thực sự chắc chắn, phần nữa là chi phí đầu vào nhất là thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức rất cao khiến họ dè dặt vào lứa mới.
Năm nay, gia đình anh Lý Trung Vân, chủ trang trại nuôi gà An Nguyên tại thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ nuôi 2.000 con gà, giảm 1.000 con so với năm ngoái. Anh Vân cho biết, vụ cuối năm người chăn nuôi phải đối mặt với rủi ro cao vì thời tiết bất lợi. Cùng đó, giá cám đang tăng cao khiến nhiều người e ngại việc duy trì và tăng đàn.
Cũng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đầu tháng 8 âm lịch, anh Nguyễn Minh Lý, ngụ ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ đã nhập 2.000 con gà giống để nuôi bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giảm gần 1.000 con so với các năm trước. Lý do anh Lý đưa ra là do giá cám tăng quá cao, trong khi đó giá gà thương phẩm lại không tăng hoặc có tăng thì không đáng kể.
Hơn nữa, với chi phí chăn nuôi tăng cao như hiện nay thì chăn nuôi của các trang trại nhỏ hoặc hộ gia đình sẽ rất khó cạnh tranh với các công ty lớn. Bởi tính trung bình thì các công ty chăn nuôi gà thường thời gian nuôi khá ngắn, chỉ khoảng hơn 3 tháng là có thể xuất chuồng. Trong khi đó, các trang trại gia đình phải nuôi 4 – 5 tháng mới được một lứa nên rất khó để cạnh tranh.
Theo anh Lý, hiện giá gà đang ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, nhưng bởi với giá cám tăng cao như hiện nay thì trung bình 1 kg gà sẽ tốn khoảng 60.000 đồng, do đó lợi nhuận cũng không lớn, chưa kể nỗi lo về dịch bệnh vẫn chưa dứt.
Cũng khúc mắc về giá đầu vào, ông Phan Văn Hiếu, ở ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, lứa heo Tết này ông chỉ nuôi 20 con, thay vì 100 con như những năm trước đây. Nguyên nhân theo ông Hiếu là do dịch bệnh cũng như giá cả lên xuống không ổn định, trong khi đó giá thức ăn không có tín hiệu giảm nên chúng tôi không dám mạo hiểm.
Hiện nay, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngành nông nghiệp các tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về dịch bệnh, thị trường và thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Đặc biệt, cần phát triển theo hướng an toàn sinh học, phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ…
(Nguồn: Nguoichannuoi.vn)