Hotline : 0978 929 555

  • Vận chuyển

    Vận chuyển toàn quốc
  • T2 - CN

    8h - 17h
  • Tư vấn

    24/7

Hiện nay, thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta vô cùng khắc nghiệt. Thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, mưa phùn kéo dài, nhiệt độ xuống thấp làm ảnh hưởng tới sức khỏe đàn vật nuôi. Đồng thời, vừa qua dịp Tết Nguyên đán gia tăng sự vận chuyển, buôn bán sản phẩm vật nuôi giữa các vùng miền, địa phương. Đây chính là những nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên các đàn vật nuôi.

Để phòng bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các việc sau:

1. Theo dõi thông tin thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng

Hàng ngày, chú ý theo dõi các thông tin về thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp kỹ thuật về nâng cấp, che chắn chuồng trại. Xây dựng các phương án chuẩn bị thức ăn, nước uống cho vật nuôi và các biện pháp chăm sóc vật nuôi khi cần thiết.

Cần nghe vào sáng sớm, trưa, tối để chủ động thực hiện các biện pháp trong ngày và chuẩn bị cho ngày hôm sau.

2Chuẩn bị chuồng trại

Chuồng trại phải đáp ứng những yêu cầu sau:

– Chuồng nuôi phải xây dựng ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông đối với chuồng nuôi hở. Tường và nền chuồng nên phẳng, làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, sát trùng.

– Khu vực chăn nuôi phải tách riêng với các khu vực khác như kho thức ăn, kho đựng dụng cụ, vật tư chăn nuôi…

– Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, cũng như có cổng ra vào, hố sát trùng trước chuồng nuôi.

Khu vực chăn nuôi cần được tách riêng với các khu vực khác

Trong điều kiện thời tiết như hiện nay:

– Chuồng trại phải luôn được khô ráo, sạch sẽ. Kiểm tra chuồng trại để khắc phục, sửa chữa ngay những hỏng hóc. Kiểm tra nhiệt độ trong chuồng nuôi để điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng vật nuôi.

– Với những vùng sâu, vùng xa không nên chăn thả gia súc trên bãi chăn mà nên nuôi nhốt hoàn toàn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện chuồng trại tại (gia cố, che chắn kín), tích trữ thức ăn và nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.

3. Chế độ dinh dưỡng

Chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn cho vật nuôi. Thức ăn phải hợp vệ sinh.

– Chuẩn bị đầy đủ thức ăn dễ tiêu hóa, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi.

– Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn ôi thiu, ẩm mốc.

– Những vật nuôi còn nhỏ nên sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

– Đối với trâu bò ngoài việc cung cấp thức ăn thô xanh, bổ sung cân đối thức ăn phù hợp. Sử dụng phương pháp ủ chua thân cây ngô, cây cỏ voi, rơm rạ để làm thức ăn dự trữ.

– Cung cấp nước uống sạch cho vật nuôi. Nếu thời tiết rét, nồm ẩm cần cung cấp nước ấm cho vật nuôi, bổ sung các chất điện giải, vitamin vào nước uống để nâng cao sức đề kháng.

4. Vệ sinh chăn nuôi

Trong mùa xuân hè độ ẩm không khí cao, nền chuồng ẩm ướt, vi sinh vật phát triển mạnh nên đặc biệt phải chú ý hơn vấn đề vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

– Trước khi nuôi:

+ Vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi: khơi thông cống rãnh, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh, quét vôi, để trống chuồng (2 – 4 tuần), sau đó mới đưa vật nuôi vào nuôi.

+ Vệ sinh dụng cụ chăn nuôi: máng ăn, máng uống, … rửa sạch, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô.

Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, để trống chuồng trước đợt nuôi mới

– Trong quá trình chăn nuôi:

+ Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống.

+ Vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh: Chuồng nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ, khô ráo; Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi; Thu gom phân, rác để xử lý đúng kỹ thuật.

– Sau khi xuất chuồng vật nuôi:

Vệ sinh sạch sẽ khu vực trong và ngoài chuồng nuôi: nền chuồng, các dụng cụ chăn nuôi (làm sạch, nếu hỏng thì sửa hoặc thay thế), các khu vực xung quanh chuồng nuôi (khu bến đỗ xe, khu để thức ăn, khu nhà nghỉ cho công nhân,…). Sau khi làm sạch phải để trống chuồng để chuẩn bị cho đợt nuôi mới.

Thu gom chất thải sau khi kết thúc đợt nuôi

5. Công tác thú y

Cần có kế hoạch cụ thể đối với công tác thú y cho vật nuôi.

– Kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho vật nuôi:

+ Kiểm tra vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, đứng, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân.

+ Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi.

+ Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho vật nuôi

– Đảm bảo kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng: mật độ; ánh sáng trong, ngoài chuồng nuôi; chế độ cho ăn, uống…

– Với đàn vật nuôi mới nhập về cần có kế hoạch nuôi cách ly, theo dõi sức khỏe vật nuôi trước khi nhập đàn.

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin theo kế hoạch.

– Chuẩn bị phương án xử lý đàn vật nuôi khi có dịch bệnh xảy ra:

+ Cách ly ngay vật nuôi ốm, chết ra khỏi đàn, không được buôn bán, vận chuyển hoặc phát tán vật nuôi bị bệnh.

+ Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực mổ khám, đốt hoặc chôn xác vật nuôi (chôn sâu, rắc vôi bột).

+ Thức ăn thừa của vật nuôi bị bệnh phải thu gom, xử lý, không được sử dụng lại cho vật nuôi khác.

Trong quá trình thực hiện công việc, người chăn nuôi đặc biệt chú ý mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay, sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan cẩn thận.

(Nguồn: nhachannuoi.vn)