Hotline : 0978 929 555

  • Vận chuyển

    Vận chuyển toàn quốc
  • T2 - CN

    8h - 17h
  • Tư vấn

    24/7

Nguyên nhân

Bệnh do Suis herpesvirus 1 (SHV-1), họ herpesviridae, là ADN virut (PRv), α-herpesvirus hướng thần kinh (neurotrophic), cùng nhóm herpesvirus (không phải virut dại (Rv)!)

Các chủng PRv có độc lực và khả năng gây bệnh khác nhau. Virut có nhiều trong nư­ớc bọt, dịch mũi, dịch bào thai của vật bệnh.

PRv tồn tại thể ẩn ở não lợn ốm khỏi, mang trùng thời gian dài và tái phát, ảnh hư­ởng tới khả năng sinh sản của đàn lợn giống.

Virut PR chỉ có một loại kháng nguyên.

Ở ngoài vật chủ, virut khá bền vững, sống ≤3 tuần; trong không khí, virut tồn tại đến 7 giờ, phát tán tới 2 km; trong n­ước ₋ 7 giờ; ở đất, phân, cỏ t­ươi ₋ 2 ngày; thức ăn ₋ 3 ngày; lót chuồng tới 4 ngày. Virut mẫn cảm với nhiệt, ánh sáng và các chất sát trùng thông thường như I2, Cl2, O2, BKC, NaOH, formaldehyde, Ca(OH)2, vôi bột…

Dịch tễ và lây truyền bệnh

Lợn là vật chủ chính mắc bệnh và lây lan, kể cả lợn hoang.

PRv xâm nhiễm và khu trú ở hạch amidan, đường hô hấp trên rồi theo dây thần kinh lên não bộ. Lợn bệnh thải virut qua n­ước dãi, dịch mũi, dịch bào thai. Lợn khỏi bệnh vẫn thải virut sau 2-3 tuần.

PRv lây lan mạnh trong không khí, môi trường, xâm nhập đường tiếp xúc mũi-mũi, không khí, thức ăn, nước uống. Nhiễm bệnh do tiếp xúc từ lợn mang trùng qua thức ăn, nư­ớc uống, không khí…Gió có thể phân tán virus 2-17 km trong không khí và tới 70 km qua nguồn nước

Ngư­ời, chim trời, xe cộ, vật dụng, lợn hoang, trâu, bò, chó, mèo, thỏ… đều là nguồn phát tán, truyền lây bệnh.

Virut phát tán và bùng phát dịch khi miễn dịch giảm và gặp điều kiện bất lợi, stress…

Cơ chế sinh bệnh

Phụ thuộc ở độc lực của chủng virut, tuổi lợn, trạng thái miễn dịch và tác động stress.

PRv xâm nhập qua miệng, mũi rồi vào hạch amidan và nhân lên tại đây. Từ đó virut nhiễm máu rồi phân tán tới não, hệ hô hấp, phế nang và nhiều cơ quan khác (gan, thận, lách, bào thai…). Từ não bộ, virut xuống não tủy và khu trú ở các huyệt hạch.

PRv gây viêm hoại tử niêm mạc hô hấp, qua nhau thai tấn công bào thai, gây bong tróc nhau, làm thai chết lưu, sẩy thai và viêm âm đạo, tử cung.

Dịch cấp tính bùng phát khi các virut cường độc lây nhiễm vào đàn lợn chưa được tiêm phòng. Virut đi qua nhau thai lây bệnh cho bào thai và lợn con sau sinh.

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh từ 1-8 ngày và tùy lứa tuổi lợn và độc lực virut.

Lợn mọi lứa tuổi đều cảm nhiễm. Bệnh nặng và điển hình chủ yếu ở lợn con dưới 7 ngày tuổi với triệu chứng lúc đầu là nôn mửa, ỉa chảy rồi co giật, run rẩy, loạng choạng, gãi ngứa, đi vòng quanh, yếu hai chân sau, tư thế chó ngồi, khó thở, sốt 41,5oC, hôn mê và chết trong vòng 24-48 giờ. Tỷ lệ mắc bệnh và chết tới 100% ở lợn con theo mẹ. Nái chửa sẩy thai, thai chết lưu hoặc lợn con chết yểu ngay sau sinh. Lợn đàn lớn ít biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Bệnh gây rối loạn sinh sản ở nái sinh sản và giảm chất lượng tinh dịch ở đực giống.

Trâu, bò, dê, cừu, chó biểu hiện ngứa dữ dội, trầy xước, sưng tấy da; lồng lộn, hung dữ bất thường, run rẩy, thở gấp, chảy dãi…

                                 

Triệu chứng thần kinh điển hình ở lợn con.

Biến đổi bệnh lý

Mổ khám thấy viêm hoại tử hạch amidan và phù nề vách mũi. Lợn chết cấp tính não bộ sung huyết, viêm não, màng não và có nhiều dịch thẩm xuất. Xuất huyết, phù nề khí quản, phế quản, phế nang.

Thận xuất huyết lấm chấm. Gan, lách, phổi viêm thoái hóa, hoại tử từng đám màu xám.

Viêm niêm mạc dạ con, phù thũng, dầy lên; viêm hoại tử nhau thai.

Chẩn đoán

Dựa vào lịch sử dịch tễ, giám sát thú y và triệu chứng lâm sàng, bệnh lý đại thể.

Cần phân biệt với bệnh do E. coli, Streptococcus suisParvovirus, TGE, PED ở lợn con theo mẹ; nhiễm độc, leptospirosis hay cúm lợn lớn.

Bệnh phẩm xét nghiệm lấy từ não, hạch amidan hay gan, thận, lách, phổi, thai chết.

Phân lập virut. Test kháng thể huỳnh quang (FA).

Xét nghiệm huyết học bằng phản ứng trung hòa (SN) hay phản ứng ngư­ng kết (LA), ELISA…

Tiêm dưới da cho thỏ dịch nghiền bệnh phẩm, nếu xuất hiện triệu chứng lâm sàng điển hình như bệnh giả dại ở lợn con thì có thể khẳng định.

Kiểm soát và phòng bệnh

Không có liệu pháp đặc hiệu.

Dùng vacxin sống hay nhược độc tạo miễn dịch chủ động cho lợn nái là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho lợn con, lợn đàn và giảm mang trùng, bài thải virut.

Các trại giống, nên dùng vacxin vô hoạt cho tất cả lợn nái và đực giống trong đàn, cứ 4 tháng miễn dịch lại một lần.

Tiêm bắp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lợn nái tơ và nái rạ:

  • Tiêm 2 mũi: mũi đầu 3-4 tuần trước phối giống và mũi hai trước đẻ 3-5 tuần.

Lợn đàn: 

  • Từ nái đã được tiêm vacxin PR: Dùng 01 liều khi lợn 10 tuần tuổi.
  • Từ nái chưa được tiêm vacxin: Liều đầu lúc 3-4 tuần tuổi.

Ở vùng/trại có nguy cơ dịch, cần tiêm thêm mũi 2 sau 3-4 tuần.

Khi nổ dịch, cần tiêm ngay vacxin sống nhược độc vào ổ dịch cho toàn đàn lợn.

Chỉ nhập lợn từ trại an toàn, sạch bệnh, âm tính với PRv, nhất là các đàn giống.

Đảm bảo an toàn sinh học, “All in – All out”, cách ly tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng.

Không để lợn hoang tiếp cận trại.

Khi trại có dịch, cách ly lợn bệnh, nghiêm cấm vận chuyển, ra vào và áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng tích cực.

Phòng bệnh

Có thông tin dùng kháng huyết thanh để chữa bệnh giả dại cho lợn dưới 3-4 tuần tuổi.

Kiểm soát bệnh tốt nhất là tiêm vacxin toàn đàn ở các nơi bệnh lan tràn và cần thiết tiêm chủng nhắc lại để tiến tới loại bỏ bệnh

Có vacxin sống và vacxin chết.

Tiêm vacxin vô hoạt cho lợn nái để phòng chống sẩy thai và phòng bệnh cho lợn con sau sinh. Kháng thể từ nái mẹ có thể phòng bệnh hiệu quả cho lợn con qua sữa đầu.

Tiêm 3 lần vacxin có thể phòng được bệnh cho lợn đàn và không bài thải virus ra môi trường.

Kiểm tra kháng thể trong máu để xác định thời điểm tiêm vacxin khi kháng thể giảm hết.