Hotline : 0978 929 555

  • Vận chuyển

    Vận chuyển toàn quốc
  • T2 - CN

    8h - 17h
  • Tư vấn

    24/7

Cai sữa là một trong những giai đoạn thử thách nhất đối với heo. Heo con mới cai sữa thường bị stress bởi các yếu tố sinh lý, dinh dưỡng, tâm lý và môi trường.

Do những yếu tố trên heo con thường biểu hiện giảm hoặc không tăng trưởng và tăng nguy cơ mắc bệnh trong đó có bệnh Tiêu Chảy Sau Cai Sữa (TCSCS) (Campell và cộng sự, 2013; Jing Gao và cộng sự, 2019). Mặc dù ngành chăn nuôi heo hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và cải thiện sức khỏe vật nuôi, tuy nhiên TCSCS vẫn là một vấn đề gây thiệt hại kinh tế đáng kể đối với ngành chăn nuôi heo. Người ta thường hay cho rằng khi heo bị tiêu chảy, thì nguyên nhân là do các mầm bệnh như vi khuẩn E. coli, Salmonella, vi rút Rota hoặc các vi khuẩn khác gây nhiễm trùng đường ruột. Tuy nhiên, đôi khi nguồn dinh dưỡng cũng có khả năng là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy.

Theo Tiến sĩ Brad Lawrence, Trưởng phòng Kỹ thuật Chăn Nuôi heo của Novus International: “Một trong những thách thức về sức khoẻ và khẩu phần đối với heo cai sữa là chúng có khả năng tăng trưởng rất cao nên chúng cần khẩu phần protein cao để hỗ trợ sự tăng trưởng đó. Tuy nhiên, chúng lại có đường tiêu hóa và hệ enzyme chưa hoàn thiện, do đó chúng sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa lượng protein cao như vậy”. Vì vậy mục tiêu của bài viết này là tóm tắt các nguyên nhân gây TCSCS có liên quan đến hàm lượng protein cao trong khẩu phần của heo cai sữa.

Theo Jensen và cộng sự (1997), từ khi được sinh ra đến 56 ngày tuổi, khả năng phân giải protein của enzyme đường tiêu hóa của heo con là rất thấp. Khả năng tiêu hóa protein thô ở hồi tràng của heo cai sữa là khoảng 60% – 80% (Hogberg và cộng sự, 2004). Điều đó có nghĩa là có thể còn nhiều protein trong khẩu phần mà heo con không thể tiêu hóa được so với yêu cầu.

Tiến sĩ Brad Lawrence cho biết: “Trong một số trường hợp, một loại protein khó tiêu có thể gây tiêu chảy thẩm thấu (osmotic diarrhea). Khẩu phần protein dư thừa đi đến ruột già và làm ảnh hưởng đến pH của nó, điều này thúc đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách cấp nước vào đường tiêu hóa (GI) để làm giảm nồng độ lên men protein. Dẫn đến hệ quả là phân thải ra sẽ chứa lượng nước dư thừa này hay nói cách khác là heo đã mắc tiêu chảy thẩm thấu.”

Sự lên men protein ở ruột già tạo điều kiện cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Thí nghiệm trên heo cai sữa cho kết quả rằng khẩu phần protein cao làm tăng sự phát triển của vi khuẩn E.coli (ETEC) trong ruột già, vi khuẩn gây tiêu chảy phổ biến trên heo con (Opapeju và cộng sự, 2009), trong khi khẩu phần protein thấp làm giảm E.coli (ETEC) trong ruột già heo con cai sữa (Opapeju và cộng sự, 2015). Ngoài ra khẩu phần protein cao cũng làm tăng pH kết tràng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển (Xiaolu, và cộng sự, 2018). Một vài nghiên cứu đã báo cáo rằng cho heo ăn khẩu phần protein thấp trong 14 ngày sau cai sữa làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy (Heo và cộng sự, 2008; Heo và cộng sự, 2009) và điều này cũng đã được xác nhận bởi Wu và cộng sự, 2015.

Quá trình lên men protein của các vi khuẩn, chủ yếu xảy ra ở kết tràng, có thể tạo ra các chất chuyển hóa độc hại như ammoniac, các amine sinh học, hydrogen sulfide và phenol. Hầu hết các chất này có thể làm giảm tính toàn vẹn biểu mô và thúc đẩy các phản ứng viêm (Rist và cộng sự., 2013, Hamer và cộng sự., 2012). Ammoniac có thể gây trở ngại cho quá trình chuyển hóa oxi của axit béo mạch ngắn bên trong các tế bào biểu mô, dẫn đến thiếu hụt năng lượng trong các tế bào này. Một số amine sinh học như histamine, kích thích quá trình viêm dẫn đến viêm ruột. Khi hợp chất hydrogen sulfide ở nồng độ cao có thể ảnh hưởng xấu đến sự hô hấp tế bào và làm phá hủy DNA của tế bào biểu mô. Khẩu phần chứa hàm lượng protein cao làm tăng các chất chuyển hóa của vi khuẩn (amonia, histamine, putrescine) trong kết tràng và tăng tình trạng tiêu chảy trên heo cai sữa (Xiaolu W., và cộng sự, 2018). Các nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng khẩu phần protein thấp làm giảm quá trình lên men protein trong ruột già (Nyachoti và cộng sự, 2006, Htoo và cộng sự, 2007).

Như vậy khẩu phần protein cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến TCSCS. Ngày nay ngày càng có nhiều biện pháp bổ sung vào thức ăn để giúp hạn chế TCSCS do dư thừa protein mà vẫn đảm bảo nhu cầu protein cao của heo như bổ sung enzyme để tăng sự phân giải protein trong khẩu phần; giảm lượng protein thô trong khẩu phần nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu axit amin bằng các nguồn protein tiêu hóa cao; cân bằng hệ vi vật đường ruột và hỗ trợ hệ miễn dịch (probiotic, prebiotic, các axit béo mạch ngắn và mạch trung,…)